Khi xe đang di chuyển trên đường và chân côn bị kẹt, sẽ làm bạn không thể nhấn hay nhả côn, gây nguy hiểm và thậm chí là tai nạn nghiêm trọng bởi khi này bạn không thể kiểm soát được xe theo ý muốn. Vì vậy, việc nắm bắt được cách xử lý chân côn bị kẹt sẽ đặc biệt hữu ích để bạn có thể chủ động và xử lý tình huống kịp thời. Trong bài viết này, hãy cùng xem các kỹ năng quan trọng mà mọi người lái cần biết khi xe bị kẹt chân côn.
Chân côn là gì và tác dụng đối với xe ô tô
Chân côn (hay còn được gọi là bàn đạp ly hợp) là một bộ phận quan trọng trong hệ thống truyền động của xe. Chức năng của chân côn là ngắt và truyền chuyển động giữa động cơ và hộp số, giúp xe tăng/giảm số, dừng xe hay khởi động máy một cách dễ dàng và êm ái.
Chân côn cũng là bộ phận dễ thấy nhất để bạn có thể phân biệt được giữa xe ô tô chạy số sàn và các xe số tự động. Trong khi các xe số sàn cần chân côn để ngắt kết nối giữa trục sơ cấp và thứ cấp của hộp số, giúp bạn có thể sang số, thì trên xe số tự động, bộ phận này được lược bỏ và chỉ để lại 2 bàn đạp bao gồm chân phanh và chân ga.
Lý do chân côn bị kẹt
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến chân côn bị kẹt cứng, không thể nhấn hay nhả ra. Dưới đây là 05 lý do chân côn bị kẹt phổ biến nhất mà người lái xe thường gặp phải.
- Thảm trải sàn mắc vào chân côn: Đây là một lý do đơn giản nhưng rất hay gặp phải của nhiều người lái ô tô. Khi đạp chân côn, thảm trải sàn có thể bị kéo lên khỏi sàn xe và cuốn vào bàn đạp ly hợp, khiến cho bàn đạp ga bị nặng, cứng
- Lá côn, bánh đà, mâm ép, bi tê bị mòn: Đây là những bộ phận có tính ma sát cao khi xe hoạt động nên rất dễ bị mòn, khô dầu hay đóng bẩn theo thời gian. Khi đó, chúng có thể gây ra cảm giác nặng và khó khăn khi bạn đạp côn
- Dây cáp bàn đạp ly hợp bị khô dầu, bị đứt hoặc bị chỉnh sai: Dây cáp là một bộ phận quan trọng trong việc truyền lực từ bàn đạp ly hợp đến xy lanh. Nếu dây cáp thiếu bôi trơn sẽ gây ra độ ma sát cao và cần bạn phải tác động với lực đạp mạnh hơn. Nếu dây cáp bị đứt hoặc bị chỉnh sai thì cũng sẽ không thể truyền đủ hoặc đồng nhất lực khi bạn đạp côn
- Cần nối bị cong: Cần nối là một thanh kim loại dài, có chức năng kéo mâm ép ra khỏi bánh đà khi chân côn được đạp vào. Nếu cần nối bị cong do va chạm hay tác động ngoại lực, nó sẽ không thể kéo mâm ép ra khỏi bánh đà được. Điều này làm cho chân côn không thể nhả ra được
- Xy lanh gặp vấn đề: Khi xy lanh bị thiếu dầu, rò rỉ dầu, mòn cuppen hay cuppen bị kẹt sẽ làm bàn đạp côn bị nặng hơn hoặc bạn sẽ cảm thấy có độ rung khi đạp xuống
Cách xử lý chân côn bị kẹt
Khi xe bị kẹt chân côn, bạn có thể áp dụng những cách sau đây để khắc phục tình huống tạm thời và giúp ô tô di chuyển ổn định hoặc dừng đỗ lại để kiểm tra.
Cách khởi động khi xe bị kẹt chân côn
Khi bị kẹt chân côn, bạn có thể áp dụng 1 trong 3 cách sau để có thể khởi động xe:
- Cách 1: Đối với một số dòng xe đã được sản xuất từ lâu thì bạn hoàn toàn có thể khởi động xe mà không cần sử dụng tới chân côn (nếu như số đã được cài trước). Bạn chỉ cần vặn chìa khóa, lúc này, mô-tơ sẽ làm động cơ quay. Ô tô của bạn có thể bị giật nhẹ nhưng khi bạn đạp ga thì vẫn có thể di chuyển bình thường
- Cách 2: Đối với những xe mới được sản xuất hiện nay thường sẽ có một công tắc điện phía dưới chân côn. Công tắc này sẽ đóng khi bạn đạp vào côn. Khi chân côn bị kẹt, bạn hãy đạp côn để đóng công tắc này và khởi động động cơ
- Cách 3: Khi xe chưa vào số mà đã bị kẹt côn, bạn hãy tăng tốc xe bằng cách chuyển về số 1. Lúc này, lực ép lớn sẽ tạo ma sát ép bánh răng đồng bộ với bánh đang quay và giúp xe có thể chuyển động được. Khi đạt tốc độ yêu cầu của động cơ, số sẽ trượt và xe của bạn sẽ di chuyển bình thường. Tuy nhiên, việc này chỉ nên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động của hộp số sau này
Cách lên số khi xe bị kẹt chân côn
Giả dụ xe đang bị kẹt chân côn ở vị trí đạp vào ở số 1, bạn hãy nhấp mạnh chân ga, sau đó nhả ra để kéo cần số lùi về 0. Tiếp đến, bạn đẩy nhẹ cần số vào rãnh số 2. Khi động cơ đã quay và tốc độ đạt đúng với yêu cầu thì cần số cũ cũng sẽ tự trượt vào rãnh 2. Nếu bạn muốn lên số cao hơn thì hãy tiếp tục lặp lại các bước thao tác như trên một lần nữa.
Cách giảm số khi xe bị kẹt chân côn
Khi xe bị kẹt chân côn và muốn giảm số thì bạn chỉ cần làm ngược lại với các bước để lên số xe ở trên. Đầu tiên, bạn hãy giữ tốc độ xe ở mức ổn định rồi tiến hành kéo cần số về 0. Lúc này, bạn hãy tăng tốc xe lên từ từ và đẩy cần về số thấp hơn. Sau khi vận tốc xe đạt mức độ yêu cầu thì cần số sẽ tự trượt về rãnh tương ứng.
Cách dừng xe khi bị kẹt chân côn
Để hãm tốc và dừng xe lại, bạn tiến hành giảm ga từ từ và sau đó chuyển xe về số 0. Cần lưu ý rằng việc khi xe về số 0 thì sẽ không còn được hãm bởi động cơ nữa. Do đó, trước khi giảm số, bạn cần chắc chắn có thể kiểm soát được tốc độ và quãng đường di chuyển thêm sau khi nhấn phanh, để không gây lên áp lực lớn cho hệ thống giảm tốc.
Bảo dưỡng định kỳ để tránh xe bị kẹt chân côn
Những cách xử lý chân côn bị kẹt ở trên đây sẽ giúp bạn có thể xử lý tình huống phát sinh trong quá trình xe đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, việc phòng tránh trước các tình huống xe bị kẹt chân côn vẫn sẽ đảm bảo an toàn cho bạn và người thân hơn rất nhiều. Vì vậy, bạn nên chú ý đi kiểm tra và bảo dưỡng ô tô đúng kỳ hạn để phát hiện sớm các vấn đề có ở trên xe.
Bên cạnh dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của việc xe bị kẹt chân côn là chân côn nặng, khó đạp thì nếu như trong quá trình sử dụng, bạn nghe thấy côn phát ra tiếng lạ, khi đạp côn bị rung hoặc xe di chuyển ì ạch khi nhấn ga tăng tốc… thì rất có thể đây là cảnh báo cho việc côn xe đang hoạt động bất thường. Khi này, bạn nên nhanh chóng đưa xe tới các trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa để cho các kĩ thuật viên kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.
Xe bị kẹt chân côn là một tình trạng rất dễ xảy ra khi bạn sở hữu các ô tô dùng số sàn, đặc biệt là những xe đã được sử dụng sau một thời gian dài. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã nắm được lý do – cách xử lý chân côn bị kẹt để có thể bình tĩnh xử lý và đảm bảo an toàn cho chính bản thân khi gặp phải sự cố này.