Lái xe ban đêm sẽ có sự khác biệt và nhiều điểm cần lưu ý hơn so với khi di chuyển vào ban ngày. Để lái xe ban đêm an toàn, bạn cần có kinh nghiệm và kỹ năng lái xe phù hợp. Trong bài viết này, hãy cùng xem ngay các kinh nghiệm lái xe ban đêm mà bạn cần biết để bảo đảm cho an toàn của chính bản thân và những người ở trong xe.
Các nguy hiểm khi lái xe ban đêm
Lái xe ban đêm tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông trên đường. Không chỉ là từ những yếu tố khách quan bên ngoài mà việc lái xe trong ban đêm cũng có thể đem lại sự nguy hiểm với nguyên nhân xuất phát từ chính các tài xế.
- Nguy hiểm từ sự thiếu tập trung khi lái xe: Khi lái xe ban đêm, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng buồn ngủ, mất tập trung, mất cảnh giác và lơ là khi di chuyển do đường vắng, không gian yên tĩnh và ít phương tiện đi lại bên ngoài. Điều này sẽ làm giảm sự nhạy bén khi xử lý tình huống và dễ xảy ra các va chạm hơn
- Nguy hiểm đến từ các phương tiện xung quanh: Ban đêm là thời điểm không có nhiều phương tiện đi lại, vì vậy mà nhiều người sẽ sinh ra tâm lý chủ quan và di chuyển quá tốc độ cho phép, chạy lấn làn, chạy sai chiều, không bật đèn xe hoặc bật đèn pha khi di chuyển trong đô thị… Những việc này sẽ gia tăng khả năng xảy ra các va chạm trên đường, vì vậy dù lái xe ban đêm, bạn vẫn phải tuân thủ đúng quy định về an toàn giao thông
- Nguy hiểm do môi trường di chuyển: Bạn có thể sẽ gặp phải trường hợp di chuyển trong những khu vực bị thiếu sáng do không có đèn đường. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát và xử lý tình huống do khó nắm bắt được hết các sự việc diễn ra phía bên ngoài
Kinh nghiệm lái xe ban đêm an toàn cho các tài xế
Những lưu ý khi lái xe ban đêm dưới đây là kinh nghiệm được các tài xế lâu năm đúc rút ra trong thực tế di chuyển ở nhiều cung đường khác nhau.
Sử dụng đèn xe để đảm bảo an toàn
Khi trời bên ngoài dần chuyển tối, bạn có thể bật đèn xe để giúp các phương tiện đi ở phía đối diện dễ dàng nhận biết bạn hơn. Việc lựa chọn sử dụng đèn xe như nào cũng là điều quan trọng mà các chủ phương tiện cần nắm rõ. Trên xe ô tô có 2 chế độ đèn chiếu sáng bao gồm đèn pha (với khả năng chiếu sáng xa, ánh sáng mạnh) và đèn cốt (với khả năng chiếu sáng gần, ánh sáng vừa đủ).
- Sử dụng đèn cốt khi xe di chuyển trong khu vực đô thị hay các khu dân cư để đảm bảo vẫn có ánh sáng vừa đủ trong quan sát cũng như không làm chói mắt đến những xe đi ngược chiều
- Sử dụng đèn pha khi xe di chuyển trên đường cao tốc có dải phân cách cao để gia tăng khả năng chiếu sáng của xe cũng như là tầm nhìn của bạn. Tuy nhiên tại những đoạn đường cao tốc không có dải phân cách giữa 2 chiều hoặc dải phân cách thấp thì bạn có thể linh hoạt chuyển đèn pha về thành đèn cốt khi thấy xe đi ngược chiều đến gần để lái xe đối diện dễ quan sát hơn
Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam cũng có quy định về thời điểm và những khu vực sử dụng đèn pha và đèn cốt khi xe di chuyển trên đường. Vì vậy, bạn cần lưu ý trong việc bật/tắt chế độ đèn xe cho hợp lý để vừa tham gia giao thông có văn hóa cũng như tránh bị xử phạt do làm sai quy định.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khi di chuyển tại các đoạn đường đèo, đường ở trên các vùng núi cao sẽ dễ xảy ra hiện tượng có sương mù vào ban đêm, rạng sáng. Lúc này, nếu như trên xe được trang bị đèn sương mù (đèn phá sương) thì bạn cũng có thể kết hợp sử dụng cùng với đèn pha/đèn cos để gia tăng khả năng chiếu sáng và quan sát không gian phía trước.
Tránh nhìn trực diện vào đèn xe ngược chiều
Khi lái xe ban đêm, bạn sẽ có thể gặp phải những xe đối diện dùng đèn pha rất sáng. Nếu nhìn trực diện vào phía của ô tô đó sẽ khiến bạn sẽ bị chói mắt và ảnh hưởng đến khả năng quan sát sau đó. Để tránh xảy ra việc này, bạn có thể dời tầm nhìn sang các vạch kẻ đường ở phía bên phải làn đường để có thể vẫn quan sát được hướng đi và hạn chế sự ảnh hưởng của đèn xe đối diện.
Giữ vệ sinh kính chắn gió, gương chiếu hậu
Việc giữ sạch kính chắn gió và các gương chiếu hậu sẽ đóng vai trò rất lớn giúp bảo vệ cho bạn khi lái xe ban đêm. Khi những khu vực này bị bẩn hoặc ố mờ sẽ gây khó khăn hơn cho việc quan sát các phương tiện di chuyển bên ngoài. Bạn nên làm sạch phần kính chắn gió ở trước và sau xe cũng như các gương chiếu hậu bên trong và ngoài xe thường xuyên bằng khăn sạch và nước lau tẩy chuyên dụng. Nếu như có vết nứt trên bề mặt hoặc gương bị lỏng, gãy, bạn nên sửa chữa hoặc thay thế ngay lập tức.
Kiểm tra khả năng chiếu sáng của đèn pha
Khi sử dụng ô tô, đèn pha có thể bị lệch do va đập, rung lắc, hay do sai sót trong quá trình lắp đặt, gây khó khăn trong việc quan sát của bạn cũng như làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của tài xế xe đi ngược chiều. Các trường hợp có thể xảy ra khi đèn pha bị lệch như là đèn chiếu không song song với mặt đất, đèn ở 2 bên không đối xứng với nhau hoặc không chiếu sáng đều hai bên. Nếu đèn pha bị lệch, bạn nên đưa xe tới trung tâm bảo hành, trung tâm sửa chữa uy tín để được kĩ thuật viên điều chỉnh lại vị trí đèn cho thích hợp.
Giữ tốc độ và khoảng cách an toàn
Tốc độ và khoảng cách với xe xung quanh là hai yếu tố quan trọng để giúp bạn di chuyển an toàn trong mọi tình huống. Đặc biệt khi di chuyển vào ban đêm, bạn càng nên đặc biệt chú ý giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với những xe xung quanh. Bởi lẽ nhiều chủ phương tiện hay lơ là khi lái xe vào buổi đêm cũng như di chuyển với tốc độ quá mức cho phép. Bạn không nên đi vượt quá giới hạn tốc độ cho phép đã được quy định ở trên từng đoạn đường. Ngoài ra, tuân thủ đúng các tín hiệu trên đèn giao thông, giữ khoảng cách ít nhất 2m so với xe ở phía trước sẽ giúp bạn tránh được các va chạm không đáng có.
Bảo đảm sức khỏe khi lái xe ban đêm
Trạng thái thiếu tập trung và không hoàn toàn tỉnh táo sẽ dễ xảy ra khi bạn lái xe ban đêm bởi không gian xung quanh yên tĩnh cũng như là do cơ thể chưa quen với nhịp độ điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt. Điều này gia tăng nguy cơ xảy ra va chạm với các phương tiện khác hay thậm chí nghiêm trọng hơn là tai nạn giao thông đáng tiếc. Do đó, khi lái xe ban đêm và cảm thấy bản thân đang mệt mỏi, tinh thần không tỉnh táo, bạn có thể dừng xe tại các trạm nghỉ hoặc những khu vực an toàn để nghỉ ngơi chợp mắt khoảng 20 phút cho cơ thể tái tạo lại năng lượng.
Ngoài ra, việc sử dụng các đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà hoặc nước tăng lực sẽ kích thích não bộ và giữ cho bạn tỉnh táo. Nghe nhạc, nghe radio ở trên xe hay trò chuyện cùng người khác cũng sẽ giúp “phá vỡ” sự yên tĩnh của không gian và để bạn có thể quên đi cơn buồn ngủ.
Để lái xe ban đêm an toàn, các tài xế hay chủ xe cần có kinh nghiệm xử lý tình huống cũng như thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị ô tô. Bên cạnh đó, việc di chuyển vào ban ngày hay ban đêm đều sẽ cần sự tỉnh táo, tập trung cũng như ý thức chấp hành quy định giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện. Mong rằng các kinh nghiệm lái xe ban đêm trên đây sẽ giúp bạn “bỏ túi” thêm những kỹ năng hữu ích để xử lý tình huống khi tham gia giao thông hiện nay.