Vô lăng là một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống điều khiển của xe ô tô, giúp người lái xe kiểm soát hướng đi và đảm bảo an toàn cho hành khách trên trên xe.Chỉ cần xuất hiện một lỗi nhỏ cũng đã có thể khiến cho phương tiện và người trên xe rơi vào tình trạng nguy hiểm, nhất là khi xe đang di chuyển với tốc độ cao. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc vô lăng bị rơ hay mất trọng tâm.
Tuy nhiên, phần nhiều đến từ vấn đề không thường xuyên chăm sóc bảo dưỡng vô lăng hoặc bảo dưỡng không đúng cách. Các chủ xe cần tìm hiểu và khắc phục kịp thời tình trạng này để tránh những mối hiểm họa tiềm ẩn trong suốt quá trình lái xe. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những hướng dẫn hữu ích nhất dành cho bạn, đừng bỏ qua nhé!!!
Vô lăng bị rơ là gì?
Nhiều người lái xe, đặc biệt là với những tay lái mới, thì có thể vẫn chưa hiểu rõ tình trạng vô lăng bị rơ là gì. Nói một cách dễ hiểu, vô lăng khi bị rơ (lỏng vô lăng) thì phần vành tay lái sẽ lớn hơn mức bình thường, gây nên độ trễ lớn khi đánh lái. Điều này vô hình trung làm giảm đi độ chính xác, tính cơ động cũng như mức phản ứng nhanh nhạy của vô lăng. Xe ô tô sẽ bị trôi nổi, không có cảm giác bám đường tốt và khiến cho người lái cảm thấy khó điều khiển, dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát và gây tai nạn. Vậy nguyên nhân chính gây ra vấn đề rơ vô lăng này là gì?
Nguyên nhân vô lăng bị rơ?
Có hàng loạt những lý do có thể khiến cho vô lăng của xe ô tô bị rơ. Với dòng xe ô tô cũ đã sử dụng nhiều năm, thì nguyên nhân vô lăng bị rơ chủ yếu do những khớp nối ở các trục như: khớp cầu, khớp trục trung gian, khớp trục các đăng lái,… bị xuống cấp và hao mòn nhiều. Còn ở những dòng xe Hatchback hay Sedan, thường dùng loại hệ thống treo trước McPherson, kết hợp với hệ thống lái kiểu bánh răng – thanh răng và hệ thống thủy lực hay trợ lực điện. Hệ thống lái bị rơ thông thường do rô-tuyn đã hỏng hoặc bị hao mòn mạnh. Bên cạnh đó, vô lăng khi bị rơ có thể do xe gặp va chạm, bị đâm đụng mạnh làm ảnh hưởng tới hệ thống lái.
Các bước kiểm tra vô lăng bị rơ
Hiện tượng bị rơ ở vô lăng ô tô có thể xảy ra bất cứ khi nào trong lúc đang chạy xe trên đường, hay thực hiện đánh lái, chuyển hướng. Hoặc khi xe đang đứng yên, tài xế thử đánh lái nhưng phát hiện ra tiếng kêu bất thường và vô lăng có những dấu hiệu bị rơ… Dù ở trong tình huống nào thì xe cũng cần phải kiểm tra và tìm ra các phương án giải quyết.
Với những dòng xe ô tô có hệ thống lái bình thường, khi chiếc xe đứng yên hướng thẳng, độ rơ góc của vô lăng chỉ trong khoảng từ 10 đến 15 độ, về mỗi phía. Để quay vô lăng thì tài xế chỉ cần dùng lực nhẹ vừa đủ. Nhưng nếu góc quay tự do này vượt quá chỉ số ở trên thì chứng tỏ rằng hệ thống lái đã bị rơ. Trước khi tới các trung tâm sửa chữa để tìm nguyên nhân vô lăng bị rơ thì chủ xe có thể thử các bước kiểm tra độ rơ của hệ thống lái sau đây:
- Bước 1: Kiểm tra độ căng của dây đai dẫn động bơm dầu và điều chỉnh lại một chút nếu thấy cần thiết. Kết hợp kiểm tra mức dầu của bộ phận bơm dầu.
- Bước 2: Nổ máy xe ô tô và xoay vô lăng sao cho hai bánh xe trước hướng thẳng về phía trước.
- Bước 3: Xoay vô lăng từ từ cho đến khi hai bánh xe trước bắt đầu dịch chuyển và tiến hành đánh dấu trên thước thẳng.
- Bước 4: Tiếp tục xoay vô lăng dần dần theo hướng ngược lại, cho đến khi hai bánh xe trước bắt đầu dịch chuyển và cũng đánh dấu trên thước thẳng.
- Bước 5: Khoảng cách giữa hai điểm đã đánh dấu trên thước chính là độ rơ của vành tay lái. Nếu số đo này vượt quá chỉ số quy định ở trên thì chủ xe cần kiểm tra và khắc phục càng sớm càng tốt.
Cách điều chỉnh vô lăng bị rơ
Nếu muốn khắc phục độ rơ của vô lăng thì chủ xe cần phải biết rõ chính xác nguyên nhân khiến cho vô lăng bị rơ. Nếu vô lăng rơ do những khớp nối ở các trục bị hao mòn thì bắt buộc cần phải thay thế mới. Sau đó mới có thể tiến hành chỉnh lại độ rơ của vô lăng xe. Để thực hiện các bước kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng vô lăng rơ thì đòi hỏi người sửa chữa cần có nhiều kinh nghiệm, kết hợp với sử dụng nhiều máy móc và thiết bị hỗ trợ.
Do đó, cách tốt nhất là các chủ xe nên đưa chiếc xe của mình đến những garage chính hãng hoặc xưởng sửa chữa uy tín, chất lượng để khắc phục sự cố. Không những vậy, để tránh gặp phải tình trạng vô lăng bị rơ, thì các chủ xe cũng nên lưu ý bảo dưỡng xe định kỳ đúng thời hạn và thường xuyên kiểm tra hệ thống lái.
Bảo dưỡng vô lăng định kỳ
- Hãy kiểm tra độ khít của phần hộp tay lái, giá đỡ, đăng tay lái, hệ thống trợ lực tay lái thủy lực,… Trong trường hợp xảy ra sự cố, những bộ phận này cần phải được sửa chữa ngay hoặc thay mới.
- Độ rơ của những đăng tay lái, hành trình tự do vành tay lái nếu bị vượt so với mức tiêu chuẩn cho phép thì cũng cần có sự điều chỉnh thích hợp.
- Nên bổ sung mỡ bôi trơn tại những khớp lái và chỉnh bạc lái sao cho phù hợp.
- Vô lăng khi bị rơ có thể dẫn đến nhiều tình huống xấu, nguy hiểm. Trong trường hợp nguy cấp nhất, bạn nên phanh lại và gọi cứu hộ để kéo xe về. Để tránh vô lăng bị rơ, bạn cũng nên chăm sóc và kiểm tra xe định kỳ để đảm bảo chiếc xe ở trạng thái tốt nhất.
Thông thường nếu lỗi nằm ở rô-tuyn, thì chủ xe chỉ cần điều chỉnh ốc ở trên cơ cấu lái. Người lái có thể thực hiện theo những thao tác siết chặt ốc và kiểm tra góc quay rơ phù hợp. Thực hiện luân phiên hai bước này cho đến khi hệ thống hoạt động bình thường. Trường hợp khắc phục vấn đề này chỉ nên làm khi bạn biết rằng những rô-tuyn đều trong tình trạng tốt. Bạn cần thực hiện những bước nhận biết và cách điều chỉnh độ rơ của vô lăng xe dưới đây:
Điều chỉnh độ rơ
- Đầu tiên, bạn để xe ở chế độ dừng đỗ và đảm bảo phần tay phanh đã được kích hoạt.
- Hãy kiểm tra mức dầu trợ lực lái và đảm bảo đủ mức quy định.
- Với vô lăng ở chính giữa, dùng tay kéo và đẩy lần lượt về phía bên phải và bên trái để kiểm tra độ rơ. Nếu bạn cảm thấy độ rơ lớn quá mức, có thể tiến hành chỉnh sửa.
- Tiếp tục chỉnh độ rơ bằng cách tháo nắp bảo vệ của vô lăng và sử dụng chìa vặn để điều chỉnh mô-men xoắn của bộ phận trục vô lăng. Những hướng dẫn chi tiết về cách chỉnh độ rơ bạn có thể tìm thấy trong sách hướng dẫn sử dụng xe ô tô hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.
- Nên kiểm tra lại độ rơ sau khi đã chỉnh sửa bằng cách lặp lại ở bước 3.
- Khi đã hoàn tất các bước, bạn phải đóng nắp bảo vệ vô lăng và kiểm tra lại độ rơ trước khi bắt đầu lái xe.
Tình trạng vô lăng bị rơ là sự cố xảy ra không mong muốn và có thể gây bất ngờ nếu tài xế không tinh ý và tìm hiểu trước đó. Do đó, người lái không nên hoảng loạn và bình tĩnh tìm cách ứng cứu kịp thời. Hơn hết, các chủ xe cũng cần chú ý và chăm sóc cho chiếc xe của mình tốt hơn, bảo dưỡng theo định kỳ để kiểm soát tình trạng của xe. Không chỉ với hệ thống lái, mà đối với những hệ thống khác trong xe đều giữ một vai trò nhất định để chiếc xe có thể vận hành tốt như mong đợi. Hãy bảo quản “người đồng hành” của mình để luôn lái xe an toàn trên mọi cung đường nhé!!!